Giáo dục - Đào tạo Vĩnh_Tường

Vĩnh Tường là vùng quê văn hiến lâu đời, nơi có nhiều truyền thống hiếu học và khoa bảng. Từ nhiều đời nay, nơi đây đã có nhiều danh nhân đỗ đạt cao được khắc bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám từ thế kỷ XIII, XIV. Cụ thể:

Có 23 tiến sĩ nho học và 01 phó bảng triều Nguyễn.

Người thành đạt sớm nhất là ông Nguyễn Văn Chất (1421 -?), người thôn Vũ Di xã Vũ Di. Ông thi đỗ Hoàng giáp (sau là Đệ nhị giáp tiến sĩ) khoa Mậu nhìn niên hiệu Thái Hòa năm thứ 06 đời vua Lê Nhân Tông (1448), danh sách đang còn trên bia Văn Miếu Hà Nội. Ông làm quan tới chức thượng thư Bộ Hộ, về chí sĩ, ông có hiệu là Nhuệ Hiên tiên sinh. Ông có biên soạn thêm bốn chuyện vào tập sách "Việt điện u linh" của Lý Thế Xuyên soạn năm 1329, trở thành một danh sĩ nổi tiếng.

Sau ông còn có 22 tiến sĩ khác, các ông cũng rất nổi tiếng như ở đời Mạc có ông Bùi Hoàng (1505- 1592) người xã Thượng Trưng thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 09 đời vua Mạc Dăng Dung danh sách còn trên bia Văn Miếu Hà Nội. Ông Phí Văn Thuật, người xã Thượng Trưng dự kỳ thi hương ở Sơn Tây đỗ danh sách thứ nhất (Hội nguyên). Năm sau Canh Thìn (1640) vào dự kỳ thi Hội, qua 04 kì ông vượt lên đỗ đâu hội nguyên Hội", rồi dự kỳ Văn Sách, ông lại đỗ đầu Đình nguyên Hoàng giáp. Đến khi vào dự kỳ làm thơ ứng chế (thơ nhà vua ra đề), bài của ông được chấm thứ nhất. Người đời suy tôn là ông "Tứ nguyên" (04 lần đều đỗ đầu).

Ông Nguyễn Tiến Sách (sau đổi là Dình Sách) người làng Văn Trưng xã Tứ Trưng thi đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ tám đời vua Lê Huyền Tông. Từng được cử làm phó sứ sang nhà Thanh điều trần về việc quan hệ giữa hai nước ở vùng biên cương. Ông còn là nhà thơ, nay còn 34 bài thơ chép trong sách “Toàn việt thi lục của tác giả Lê Quý Đôn".

Ông Tô Thế Huy người làng Bình Đăng (nay là thôn Bình trù xã Cao Dạy thi đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính hòa 18 (1697) đời vua Lê Hy Tông. Ông được tặng phong chức thượng thư bộ Công, là người tôi trung với nước, hiếu với gia đình. Có đôi câu đối ca ngợi ông:

Quốc trung thần, gia hiếu tử, thiên hạ hoàn nhân.

Văn tiến sĩ, võ quận công triều đình hiển họa.

Tạm dịch:

Bề tôi trung của nước, con hiếu trong gia đình, ông là người trọn vẹn trong thiên hạ.

Văn đỗ tiến sĩ, võ tới quận công, là vị quan vinh hiển chốn triều đình.

Đó là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Vĩnh Tường còn có 37 vị thi Hội đỗ Tam trường (tam trường thi Hội), có 191 vị thi đỗ trung khoa (hương Tiến - hương Cống) cử nhân đời Nguyễn. Các xã như Văn Trưng, Thế Trưng, Thượng Trưng, Bình Trù xếp vào thứ nhất trong hàng ngũ đỗ đạt.

Đồng thời, Vĩnh Tường cũng là huyện có số lượng các thư tịch đồ sộ, tới 320 văn bản là bia ký ở di tích các làng, xã. Gồm có: Bia đình có 39 tấm; Bia chùa có 200 tấm; Bia đền, miếu, từ đường, sinh từ, lăng mộ 42 tấm Bia văn chỉ, vũ chỉ có 14 tấm; Bia cầu, bến đò, quán, điểm, ngõ, chợ, cổng làng có 25 tấm; Có 39 quả chuông ở các di tích và 11 chiếc khánh trong đó có 02 chiếc khánh tạo bằng nguyên liệu đá.

Thực tế đó là một lượng thông tin khá đầy đủ và đa chiều về lịch sử phát triển và đời sống xã hội của phủ Vĩnh, là thành tựu đặc sắc của nền văn hiến phủ Vĩnh.

Thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945, ở Vĩnh Tường có rất ít trường học, chỉ có cấp tiểu học, giáo dục gần như không phát triển. Việc học hành chủ yếu dành cho con em những gia đình khá giả, còn tuyệt đại đa số nhân dân phải chịu cảnh mù chữ.

Phong trào Bình dân học vụ, thực hiện chiến dịch diệt giặc dốt được mở rộng khắp toàn huyện. Xã nào cũng lập ra Ban Bình dân học vụ, tổ chức các lớp học với nhiều hình thức dạy chữ linh hoạt. Các xã Đại Đồng, Thượng Trưng, Vũ Di…được đánh giá là có thành tích xuất sắc về xóa nạn mù chữ.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Vĩnh Tường tiến hành khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với các ngành khác, giáo dục trong huyện cũng được quan tâm phát triển. Các xã đẩy mạnh xây dựng, củng cố trường lớp, học sinh phổ thông tăng dần qua mỗi năm. Đến năm 1957, toàn huyện có hơn 7.000 học sinh, trong đó học sinh cấp 11 có gần 1.000 em. Phong trào Bình dân học vụ tiếp tục được phát triển và phát huy hiệu quả.

Đến cuối năm 1965, huyện hoàn thành vượt mức kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Hai năm học 1973 - 1974 và 1974 - 1975, cả ba cấp học của huyện có trên 800 lớp học với 34.000 học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình của cấp I là trên 80%, cấp II là trên 60%, cấp III là trên 50%.

Những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, quy mô giáo dục đã được mở rộng, đa dạng ở tất cả các cấp học, ngành học. Năm 2008, toàn huyện có tổng số 100 trường học các cấp, trong đó có 30 trường mầm non, 34 trường tiểu học, 30 trường THCS và 6 trường THPT. Đến năm 2010, toàn huyện có trên 100 trường học các cấp, trong đó có 31 trường Mầm non, 34 trường Tiểu học, 30 trường Trung học cơ sở và 6 trường Trung học phổ thông, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên 01 Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị, 01 Trung tâm dạy nghề tổng hợp ở các xã đều có Trung tâm học tập cộng đồng. (Tính đến hết năm 2012, toàn huyện có 79/101 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 23/31 trường MN = 74,2%, 33/34 trường TH = 97,1%, 20/30 trường THCS = 66,6%, 3/6 trường THPT = 50%). Nhìn chung, với số lượng trường học trên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em toàn huyện.